
02113. 777 777 songhongthudo@gmail.com
Sáng 14/11/2019, Công ty CP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô long trọng tổ chức lễ rước sắc thần từ di tích gốc về đình Gẩu mới tại phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên. Dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch HĐQT, bà Trần Diệu Hà, Phó Chủ tịch HĐQT, ông Trần Đại Thắng, Tổng giám đốc, ông Trần Xuân Chính, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô cùng đại diện chính quyền và nhân dân địa phương.
Lễ rước thần linh từ di tích gốc thuộc khu vực Lò Vôi, phường Đống Đa về chùa Sơn Cao, phường Ngô Quyền được thực hiện trang trọng, uy nghiêm theo phong tục truyền thống.
Đình trước đây ở khu vực lò Vôi – nay là khuôn viên của Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Vĩnh Phúc, thuộc phường Đống Đa. Năm 1965, đình bị bom Mỹ đánh phá, vì điều kiện dựng lại đình không có nên bài vị, đồ thờ được chuyển đến chùa Sơn Cao, thuộc phường Ngô Quyền để sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng hơn nửa thế kỷ. Được sự nhất trí của các cấp chính quyền, tháng 4 năm 2019, Công ty CP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô đã phát tâm và khởi công xây dựng đình Gẩu mới tại phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên. Sau tám tháng thi công, đình Gẩu đã hoàn thành và chính thức đưa vào phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài địa phương.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô làm lễ và thực hiện nghi thức rước bài vị và đồ thờ Thất Vị Đại Vương về Đình Gẩu mới.
Đình Gẩu mới được xây dựng trên diện tích gần 800 mét vuông với kiến trúc được phục dựng uy nghiêm, bề thế theo nguyên mẫu đình làng Bắc Bộ xưa. Bốn góc mái đình kéo cong về 4 phía tạo thành các đầu đao; các hạng mục trong và ngoài đình được thực hiện tinh xảo và đề cao tính thẩm mỹ. Đình Gẩu mới mang các yếu tố thuần Việt riêng biệt, thể hiện sự trở về, tiếp nối truyền thống văn hóa Đông Sơn, là thành quả nghệ thuật kết tinh hàng ngàn năm của người Việt.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô cùng nhân dân địa phương dâng hương tại Đình Gẩu mới.
Sau Lễ rước thần, đình Gẩu mới đi vào hoạt động phục vụ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân trong vùng.
Nhân dân địa phương vô cùng phấn khởi bởi công trình văn hóa tín ngưỡng đã hoàn thành và đi vào hoạt động.